Những cây viết mới như Huyền Sambi, Mew Amazing, Trần Trung Đức. Nhà sản xuất mới có Khắc Hưng (Khởi Hành), Nguyễn Hoàng Anh, Nguyễn Hoàng Gia và Nguyễn Bá Hùng Lân (Dung Nham), Đỗ Hiếu (Gặp Tôi Mùa Rất Đông). Một tín hiệu đáng mừng giúp cho âm nhạc Việt Nam ngày càng đa dạng, nhiều màu sắc.
Khác với năm ngoái, tôi chọn ra một đĩa nhạc mà mình ưng ý nhất về mọi mặt, để đề tặng danh hiệu đĩa nhạc của năm (Album of the year). Những đĩa không có mặt ở đây, có lẽ vì tôi chỉ thích một vài bài, chứ không nghe hết được trọn vẹn từ đầu đến cuối.
1. Yêu – Thanh Lam & Tùng Dương
(Classical – 01/2014)
Yêu là lòng bâng khuâng
Nhớ hay thương một chiều tơ vương…
Yêu – đĩa hát chung giữa Thanh Lam và Tùng Dương – dự kiến phát hành cuối tháng 12 năm ngoái, nhưng phải dời lại tận đầu năm sau. Đây không phải là lần đầu tiên họ hát nhạc xưa, cũng không phải là lần đầu hát đôi. Trước đó, Thanh Lam đã cộng tác với rất nhiều ca sĩ, từ Trung Kiên, Trọng Tấn, cho đến Đan Trường, Đàm Vĩnh Hưng. Tùng Dương cũng có đĩa Hát tình ca của riêng mình. Một diva của dòng nhạc nhẹ và một giọng nam hàng đầu hiện tại – hai cá tính có điểm chung nổi tiếng thích phá cách trong âm nhạc – cho thấy những bài song ca mới là hay nhất đĩa. Song, chính phần phối khí của Trần Mạnh Hùng và dàn nhạc giao hưởng dưới sự chỉ đạo của Lê Phi Phi mới là điểm đặc biệt, khiến Yêu xứng đáng nằm trong bộ sưu tập của bất cứ ai.
Nên nghe: Tình nghệ sĩ, Kiếp nào có yêu nhau, Yêu.
2. Cửa Thơm Mùi Nắng – Hoàng Quyên
(Pop – 02/2014)
Nắng vàng như trái cam đầu mùa
Nắng vàng như ánh trăng ngày rằm
Nắng anh…
Trường hợp của Hoàng Quyên – khi cộng tác với Lê Minh Sơn trong Cửa thơm mùi nắng, thật sự không khác trường hợp của Uyên Linh – khi cộng tác với Quốc Trung trong Giấc mơ tôi. Cả hai đều là những ca sĩ có chất giọng riêng, nhạc cảm tốt, xử lý tinh tế – nhưng nhà sản xuất lại chưa thể khai thác trọn vẹn khả năng của họ. Đĩa có tám ca khúc, nhưng đến năm đã là cũ. Hoàng Quyên vẫn chỉ đang cho khán giả thấy những gì họ đã thấy: hát tốt nhạc Lê Minh Sơn. Trong khi đó, với một gương mặt trẻ như cô, người nghe chờ đợi sự tươi mới và một hình ảnh rõ ràng cho đĩa đầu tay. Dù có những khoảnh khắc sáng giá, nhưng đáng tiếc, Cửa thơm mùi nắng không khiến ta tiếp tục mong mỏi, tò mò vào những sản phẩm tiếp theo của Hoàng Quyên.
Nên nghe: Cửa thơm mùi nắng, Mọi lúc mọi nơi, Sóng ngang.
3. Gặp Tôi Mùa Rất Đông – Nguyễn Đình Thanh Tâm
(Dance-pop – 02/2014)
Những phố đang mưa hình tròn
Xoay…
Gặp Tôi Mùa Rất Đông là sản phẩm thứ hai mà Nguyễn Đình Thanh Tâm ra mắt trong năm 2013, ban đầu được phát hành trực tuyến trên mạng theo kiểu thử nghiệm, thăm dò thị trường. Cũng vì vậy, nó xoay 180 độ so với đĩa đầu tay Cánh diều lạc phố, từ hình ảnh cho đến âm nhạc. Lần này Thanh Tâm cộng tác với những gương mặt rất mới và trẻ như Đỗ Hiếu, Đoàn Minh Vũ, Mew Amazing, đồng thời khai thác mạnh nhạc điện tử, chủ yếu theo dòng dance, synth-pop. Xuyên suốt từ đầu đến cuối là những âm thanh dồn dập, mạnh mẽ. Ngay cả bài hát “dịu dàng” nhất đĩa (Lang thang) cũng không chủ ý loại bỏ sự ồn ào. Thay vì tiết chế, Thanh Tâm và ê kíp của mình quyết đi đến cùng với những gì đã chọn (bản Gặp Tôi Mùa Rất Đông ở cuối “phá” hoàn toàn bản gốc).
Nên nghe: Gặp tôi mùa rất đông, Nghe ta hồi sinh, Lang thang.
4. Địa Đàng II – Nguyên Hà
(Pop – 07/2014)
Em về ôi bình yên về theo đời sống từ đấy lời hát từ đấy mà sinh,
Hỡi cơn mưa của anh!
Rớt xuống anh ngay giờ linh!
Tiếp nối đĩa đầu tiên phát hành cách đây hai năm, Địa đàng 2 tập hợp 11 tình khúc mới của nhạc sĩ Quốc Bảo được thể hiện bởi Nguyên Hà – một giọng ca mềm mại, ngọt ngào, phù hợp với dòng nhạc trữ tình, lãng mạn. Nếu so sánh, thì Địa đàng 2 phối khí đơn giản, tiết chế, nghe dễ chịu hơn hẳn đĩa đầu. Cách xử lý của Nguyên Hà đã có sự dày dạn của kinh nghiệm, kéo ngay người nghe vào câu chuyện và không để họ rời bước dù chỉ một giây. Cách viết của Quốc Bảo thì lấp lửng, có bài hoàn toàn phá cách (Ru 7), lại có bài quen thuộc đến mức nhàm chán (Thì ta yêu). Nhưng Địa đàng 2 mang một sắc thái hoàn toàn khác với đĩa đầu, không còn hân hoan reo vui hạnh phúc, mà ám ảnh, day dứt, như một đêm lạnh ngập chìm trong giông bão.
Nên nghe: Nơi một bến hồng, Giọng tình, Ru 7.
5. Khởi Hành – Nguyễn Trần Trung Quân
(Electro-pop – 10/2014)
Đừng xô nghiêng nụ cười xé đêm hoang tàn
Những nỗi đau rã rời, trôi vào đêm mờ sương
Khởi hành – đĩa đầu tay của Nguyễn Trần Trung Quân – có những điểm mà đĩa đầu tay của các ca sĩ cùng lứa như Nguyễn Đình Thanh Tâm hay Hoàng Quyên chưa có được: một ý tưởng thông minh được thực hiện tới nơi tới chốn. Sử dụng nhạc điện tử làm khung xương, mười ca khúc trong đĩa được sắp xếp theo vòng xoay thời gian của một ngày, theo thứ tự từ sáng đến tối, sau đó lặp lại. Không thể không nhắc đến vai trò rất lớn của Khắc Hưng – nhà sản xuất chính của đĩa, bất ngờ lại là một gương mặt còn rất trẻ. Về các sáng tác, dù Huyền Sambi gần như là ngôi sao của đĩa, nhưng chính Sa Huỳnh mới chứng tỏ rằng mình là một tác giả cần được theo dõi. Khuyết điểm lớn nhất? Nếu Trung Quân hoàn toàn bỏ được cách hát “giống Tùng Dương”, chắc chắc anh sẽ thành công hơn nữa.
Nên nghe: Cỏ, Nghiêng, Thử thách đêm.
6. Chẳng Có Tình Ca – Danh Việt
(Pop – 11/2014)
Rồi cháy như sao đổi ngôi
Rồi khói bay bay vào không gian mới
Tiếng tăm như một giấc phù vân
Thoắt đã tan…
Là một gương mặt hoàn toàn mới, Danh Việt ngoài sự ấm áp thì chất giọng gần như không có gì đặc biệt để có thể trở thành một “pop star”. Giọng của Việt nếu chọn những bản pop ballad đang nổi trên thị trường – như các ca sĩ cùng lứa với anh hay chọn – thì lại càng dễ thất bại. Chiều sâu từ những sáng tác của Quốc Bảo thực sự đã nâng đỡ những khiếm khuyết của Danh Việt lên rất nhiều. Cách biên tập và phối khí cũng cho thấy kinh nghiệm dày dạn của vị nhạc sĩ trong vai trò sản xuất, khi kết nối bảy bài hát được sáng tác cho nhiều mục đích khác nhau. Chẳng có tình ca là một trường hợp điển hình cho thấy vai trò quan trọng của nhà sản xuất. Như một bộ phim đáng nhớ, cần có một đạo diễn giỏi, một kịch bản hay, nhiều hơn là diễn xuất.
Nên nghe: Tro tàn của tiếng tăm, Mộng kê vàng, Đối thoại nửa đêm.
7. Ước Sao Ta Chưa Gặp Nhau – Uyên Linh & Dũng Dalat [Album of the year]
(Pop – 12/2014)
Có những cơn mơ vỡ tan tành
Có những tâm hồn lạc lối
Có những ước muốn phai tàn…
Rúng động! – là cảm giác sau khi nghe Uyên Linh hát tình ca Dũng Dalat. Dường như cả hai đều làm nhạc cho chính mình, thay vì hát hay viết để chiều chuộng bất cứ ai. Dẫu âm nhạc phần lớn hướng đến sự tinh giản – để cho giọng hát của Uyên Linh và tiếng đàn của Dũng Dalat cùng tỏa sáng bên nhau – có thể cũ kỹ, nhàm chán với nhiều người, nhưng bản thân những sáng tác của Dũng Dalat đã đáng để thưởng thức. Nên nhớ là Dũng Dalat đã hoạt động bao nhiêu năm, nhưng đến nay mới có một đĩa tác giả của riêng mình. Người lên ý tưởng là Uyên Linh, như thể đợi chờ duyên phận. Ước Sao Ta Chưa Gặp Nhau là sự kết hợp ngọt ngào giữa một giọng ca giàu xúc cảm và một người viết nhiều trải nghiệm – như cây cho trái chín sau nhiều năm vun trồng.
Nên nghe: Ước muốn phai tàn, Như cánh hoa đêm, Tình lại đến như vừa bắt đầu.
8. Dung Nham (Lava) – Hà Anh Tuấn
(Electro-pop – 12/2014)
Sống với quá khứ hay là chết như một vì sao vụt tắt
Cho không trái tim này ai sẽ lấy?
Hà Anh Tuấn luôn chứng tỏ rằng mình là một người thông minh. Giống như các sản phẩm trước đây của anh, Dung nham sở hữu những ý tưởng rất hay và riêng biệt, nhưng kết quả thực hiện lại chưa trọn vẹn. Công bằng mà nói, Hà Anh Tuấn đã có những khoảnh khắc phá cách rất đáng ghi nhận (Cuộc chiến, Dung nham), nhưng đôi lúc lại quá an toàn (Vô hình, Cứ thế). Điểm thú vị nhất của đĩa là khi anh thể hiện đúng chủ đề của nó: thả mình trôi theo dòng dung nham đang tuôn trào mà không đắn đo điều gì (Nhịp si mê). Trái lại, đĩa vẫn mắc những lỗi không đáng có: Chuyện của mùa đông là một bản pop ballad hay, nhưng nên nằm một đĩa khác. Thật tiếc khi phải nói, Dung nham là đĩa nhạc dở nhất trong sự nghiệp của Hà Anh Tuấn, tính đến thời điểm hiện tại.
Nên nghe: Cuộc chiến, Nhịp si mê, Xanh mãi (Forever Young).