Chuẩn bị đám cưới là việc trong đại của cuộc đời, rất nhiều cô dâu coi đó là ngày hạnh phúc nhất và đầu tư không ít. Nhưng chuẩn bị như thế là cũng là câu hỏi khiến uyên ương "đau đầu" nhất. Báo Ngoisao.net sẽ cùng wedding planner Như Cầm tư vấn cho cô các cặp đôi danh sách các việc cần chuẩn bị cho đám cưới.

NhuCam2-3626-1425887326.jpg

Trên thực tế, nhiều người thường than rằng: “Bắt tay vào chuẩn bị cho đám cưới như lạc vào một đám rừng. Không biết mình phải chuẩn bị cái gì, bắt đầu từ đâu và nên làm như thế nào!”.

Điều đó không lạ bởi gần như tất cả chúng ta đều có rất ít (hoặc không có) kinh nghiệm trong việc này. Nhưng đừng quá lo lắng, dưới góc độ một wedding planner, Cầm sẽ giúp bạn hình dung ra những điều cần thiết.

Điều đầu tiên: để chuẩn bị cho đám cưới chính là ngân sách. Đây là điều mà theo mình là quan trọng nhất. Cô dâu chú rể phải biết rõ khoản ngân sách mình dự định chi tiêu cho đám cưới và lên kế hoạch thật chi tiết cho từng phần mà bạn sẽ sử dụng. Về cơ bản, có thể phân chia ngân sách như thế này:

- Khoảng 50% ngân sách sẽ dành cho phần tiệc: chỉ bao gồm thức ăn & nước uống (có thể bao gồm cả khai vị & cocktail).

- 40% tiếp theo cho: hoa, trang trí, chụp ảnh, trang phục, bánh cưới và âm nhạc…

- Và 10% còn lại sẽ là phần của: thiệp mời, quà tặng cảm ơn bạn bè, sổ lưu niệm ký tên…

Thứ 2: điều còn lại để có một đám cưới thành công nằm ở chính bản thân cô dâu chú rể. Chuẩn bị tâm lý thật tốt và có kế hoạch cho những việc mình cần làm. Tất cả đều phải thật rõ ràng, cụ thể… Hãy viết ra giấy ngay tất cả những gì mình nghĩ đến.

Dưới đây có thể là những điều cơ bản nhất cho các cô dâu chú rể tương lai tham khảo tham khảo. Dĩ nhiên, bạn có thể thêm hoặc bớt rất nhiều thứ… tuỳ theo sở thích, nhu cầu cá nhân, vì đám cưới là của riêng bạn!

Những bước chuẩn bị cho đám cưới:

1. Tiệc cưới

- Lên danh sách khách mời để từ đó tìm nơi tổ chức phù hợp.

- Tìm địa điểm tổ chức.

- Chọn thực đơn, thức uống (bao gồm cả khai vị và cocktail đầu giờ nếu cần thiết)

- Tìm hiểu về các dịch vụ đi kèm (máy chiếu, đèn, hoa, xe đưa đón…) mà địa điểm tổ chức cung cấp cho mình.

2. Xe cưới

- Xe đón dâu: màu sắc, chủng loại, thời gian thuê…?

- Xe đưa đón khách (trong trường hợp có người thân trong gia đình ở xa hoặc bạn bè ở nơi khác đến).

3. Bánh cưới

- Loại bánh: bình thường, fondant hay các loại khác?

- Chi phí, thời gian đặt và nhận bánh.

- Cách bảo quản bánh?

4. Lễ phục

- Váy cưới cho cô dâu: kiểu truyền thống khi đón dâu, làm lễ hỏi & váy mặc trong buổi tiệc.

- Phụ kiện & trang sức (giày, nữ trang, hoa tai…).

- Lễ phục cho chú rể

- Lễ phục cho người thân (bố,mẹ) hoặc cho phù dâu, phù rể

5. Trang điểm, làm tóc

6. Chụp ảnh (wedding photography)

- Chụp album trước đám cưới (Pre-wedding album)

- Album và hình phóng lớn

- Slideshow để chiếu trong đám cưới…

- Ảnh trong lễ rước dâu và tiệc: kiểu truyền thống hay phóng sự…

7. Quay phim (wedding cinematography)

- Phim thực hiện trước đám cưới (Pre-wedding movie hoặc “Save the date” movie) để có thể sử dụng trong lễ cưới.

- Phim trong ngày cưới: lễ đón dâu truyền thống.

- Phim cưới theo kiểu phóng sự trong ngày cưới (Journalism clip)

8. Hoa cưới

- Hoa trang trí cho nhà trai, nhà gái

- Hoa cầm tay cho cô dâu.

- Hoa cho xe cưới.

nhucam5-8619-1425887326.jpg

9. Nhẫn cưới

10. Mâm quả đám hỏi và đám cưới

Đây là nghi thức lễ truyền thống người Việt Nam, nên bạn gần như không thể thay đổi dù cho có kết hôn với người nước ngoài. Nhưng 2 gia đình cần thống nhất với nhau một số vấn đề quan trọng trước đám cưới để mọi việc được diễn ra suôn sẻ:

- Số lượng mâm quả: có thể số lượng quả của đám hỏi và đám cưới nhà gái sẽ yêu cầu khác nhau. Ở miền Bắc, chỉ cần chuẩn bị mâm quả cho lễ ăn hỏi.

- Những lễ vật trong quả.

- Cách thức và nghi lễ khi trao? Khi trao xong, nhà gái có nghi lễ lại quả hay không?

11. Thiệp cưới

- Thiệp mời

- Thiệp báo hỷ (có thể có)

- Thiệp cảm ơn (nên có).

- Túi đựng quà cho khách (có thể có)

- Card ghi chỗ ngồi cho từng khách (có thể có)

- Thực đơn…

12. Quà tặng cho khách

13. Trang trí

- Trang trí ở gia đình 2 bên

- Trang trí nhà thờ (nếu hai người theo đạo Công giáo) và ở chùa (lễ Hằng Thuận)

- Trang trí khán phòng, bàn cocktail, bàn reception

- Trang trí theo chủ đề nhất định

NhuCam-9965-1425887326.jpg

13. Kịch bản nghi thức lễ

- Kịch bản trong đám cưới

- MC: có thể nhờ người thân trong gia đình, bạn bè hoặc thuê MC chuyên nghiệp

- Những dịch vụ khác đi kèm: pháo hoa, cắt bánh, uống rượu giao bôi…

15. Âm thanh và Ánh sáng

Thông thường, phần âm thanh và ánh sáng đã có sẵn do nơi tổ chức tiệc cung cấp. Tuy nhiên, phần âm thanh và ánh sáng ấy thường chỉ được dùng cho hội nghị với những yêu cầu cơ bản như: phát biểu và mở CD. Nếu cô dâu chú rể muốn há, hay có những tiết mục khác trong đám cưới, bạn có thể thuê dàn âm thanh chuyên nghiệp., như vậy sẽ đẹp và đầy đủ hơn.

16. Những phần việc khác

Trên đây, mình đã ghi chú những phần việc cơ bản của một đám cưới thông thường cho các cô dâu chú rể ở Việt Nam. Các bạn có thể chọn tất cả các mục, hoặc chỉ lựa chọn những phần phù hợp với đám cưới của mình.

Còn những mục sau, có thể có hoặc cũng có thể không. Nhưng nếu có điều kiện trong khả năng thì bạn nên chuẩn bị. Nó sẽ giúp ích bạn không ít để đám cưới thêm trọn vẹn.

- Chăm sóc da và cơ thể trước khi cưới: đây là điều mình khuyên các cô dâu rất nên làm nếu có điều kiện dù nhiều bạn có thể thực hiện nhưng lại không quan tâm nhiều đến điều này.

- Giải trí trong đám cưới: những tiết mục vừa phải, những trò chơi đơn giản mà vui vẻ, đúng chỗ, đúng lúc… luôn làm đám cưới bạn đặc biệt hơn mọi người. Nhưng hãy cân nhắc về tính chất đám cưới trước khi nghĩ đến thể loại trò chơi phù hợp.

- Tuần trăng mật: nên đặt tuần trăng mật trước đám cưới một thời gian hoặc để sau đám cưới hãy "book". Không nên đặt ngay trong giai đoạn chuẩn bị bởi nó sẽ làm bạn phân tâm, không tập trung được vào trọng tâm những việc cần làm.

Như Cầm
Hình ảnh: NhuCam Wedding Team