1-6266-1428374563.jpg

Nhiều gia đình cô dâu chú rể không còn đủ cả cha lẫn mẹ mà một trong hai người đã khuất, hoặc cha mẹ không sống với nhau. Khi tổ chức đám cưới, đa số uyên ương có hoàn cảnh như vậy đều băn khoăn về cách ghi tên cha mẹ trong thiệp cưới.

Có người muốn ghi tên phụ huynh đã mất. Có người lại muốn ghi tên cha dượng hoặc mẹ kế, người sống cùng mình từ nhiều năm nay. Độc giả chia sẻ với Ngoisao.net: "Cha tôi mất từ khi tôi còn nhỏ, sau đó mẹ tôi đã tái giá với ba dượng được 6 năm. Cuối năm tổ chức đám cưới nên tôi muốn ghi tên mẹ và cha dượng, như vậy có được không?". Một độc giả khác lại thắc mắc: "Bố mẹ tôi không sống cùng nhau từ lâu, sau đó mỗi người cũng lập gia đình mới. Tôi ở với mẹ và bố dượng. Sắp tới tôi tổ chức đám cưới, nhưng tôi không biết nên ghi tên cha mẹ trong đám cưới thế nào. Tôi cũng quý bố dượng và cũng ở với ông nhiều năm, nên sợ rằng nếu ghi tên bố ruột thì bố dượng buồn lòng và ngược lại. Vậy tôi nên giải quyết thế nào?".

Trên đây là hai trường hợp khá điển hình và mỗi trường hợp lại có nhiều cách giải quyết, tùy theo quan niệm cũng như mong muốn của cô dâu chú rể.

1. In thiệp khi cha hoặc mẹ đã qua đời

- Nếu một trong hai người thân nhất của bạn đã mất từ nhiều năm, ví dụ trường hợp này cha bạn đã mất, mẹ tái giá với bố dượng và bạn sống cùng hai người, bạn có thể ghi tên mẹ và cha dượng trong thiệp cưới. Bởi người cha đã khuất không thể đứng tên tổ chức đám cưới, hơn nữa cô dâu, chú rể sống cùng cha dượng và mẹ, thì việc ghi tên cha dượng, là người dạy dỗ, nuôi dưỡng bạn hàng ngày là điều hợp lý. Đó cũng là cách tỏ lòng hiếu thảo đối với người cha đang sống cùng bạn và mẹ.

Nếu còn băn khoăn về việc cha ruột không được nhắc tên, thì trong kịch bản đám cưới, bạn nhớ nhắc MC giới thiệu sơ qua về hoàn cảnh gia đình, đồng thời cảm ơn tới cha mẹ và cảm ơn cả cha dượng. Hoặc chính cô dâu, chú rể cũng có thể là người nói lời cảm ơn trực tiếp với mọi người trong đám cưới.

- Cách thứ hai, nhiều uyên ương chọn chỉ ghi tên mẹ trong thiệp cưới. Trường hợp này sẽ hợp lý khi bạn không thân thiết cha dượng mà gần gũi gia đình nhà nội (là những người họ hàng với người cha đã qua đời).

- Trường hợp thứ ba, nếu uyên ương nhất định muốn ghi tên người đã khuất trong thiệp cưới thì vẫn được, nhưng sau tên của ba bạn, bạn cần ghi thêm từ Cố phụ, chỉ người đã đi xa. Ở các cửa hàng thiệp cưới, người cung cấp cũng có mẫu thiệp này, cô dâu chú rể cần tham khảo kỹ.

2. In thiệp khi cha mẹ ly hôn

- Với trường hợp cha mẹ không còn sống cùng nhau, nhưng trong đám cưới cả hai người đều tới dự với tư cách là phụ mẫu thì cô dâu chú rể nên ghi tên cha mẹ.

- Nếu có cha dượng hay mẹ kế mà bạn yêu quý người này thì có thể chia thiệp thành 2 loại:

+ Thiệp mời khách của mẹ, cha dượng sẽ in tên của mẹ bạn và cha dượng.

+ Thiệp mời khách của cha ruột thì in tên mẹ và cha ruột.

Cuối cùng, dù ghi tên ai trong thiệp cưới, thì bạn cũng cần bàn bạc kỹ càng với gia đình hai bên nội, ngoại, cũng như hỏi ý kiến của cha mẹ cũng như cha dượng, mẹ kế để không làm ảnh hưởng tới tình cảm của gia đình.

Linh Linh