1_1421830495.jpg

1. Alexander McQueen - Kẻ ngang tàn của thế giới thời trang
Dù đã qua đời nhưng thiên tài bạc mệnh Alexander McQueen luôn nằm trong Top những nhà thiết kế vĩ đại nhất thế kỷ 21. Tự ý bỏ học ở tuổi 16, chàng thiết kế sinh năm 1969 bắt đầu học nghề trong xưởng may ở Saville Row trước khi trở thành nhà thiết kế chính của Givenchy vào năm 1996. Ở vị trí này, nhà tạo mốt xứ sương mù đã giành được nhiều giải thưởng danh giá. Tuy nhiên năm 2001, Alexander McQueen rời thương hiệu để theo đuổi ý tưởng, hoài bão riêng. Với hãng thời trang mang tên mình, chàng thỏa sức sáng tạo, không ngại phá cách, đột phá, thậm chí nổi loạn. Nam thiết kế khiến cả thế giới kinh ngạc về tài năng sáng tạo và trở thành một trong những biểu tượng lớn nhất làng mốt.
Các phát minh của Alexander McQueen như quần bumster cạp trễ, những bộ sưu tập đầy tính dị biệt trên sàn diễn... nhanh chóng được biết đến và ca ngợi hết lời. Tháng 2 năm 2010, nhà thiết kế quái đản nhưng thông minh ấy tự tử làm chấn động cả thế giới, một trong những cái chết đáng tiếc nhất làng mốt. Song với gu thẩm mỹ cá nhân khác biệt, chàng vẫn là một người khổng lồ trong thế giới thời trang, một huyền thoại thiết kế không thể xóa nhòa trong lịch sử. (Xem thêm thiết kế)

2_1421831654.jpg

2. John Galliano - Gã trai hư lập dị
"Quái" ngay từ vẻ ngoài, đó là điều dễ nhận thấy ở John Galliano. Nam thiết kế 54 tuổi nhiễm gu khác biệt từ mẹ - một giáo viên người Tây Ban Nha - thường xuyên mặc những bộ trang phục kỳ dị cho John, làm chàng bắt đầu quan tâm tới thời trang. Khi 6 tuổi, John và gia đình chuyển tới London. Năm 1984, chàng tốt nghiệp trường thiết kế thời trang nổi tiếng Central Saint Martins.
Sự nghiệp thiết kế ban đầu của John gây được chú ý nhưng không ít lần suýt phá sản, phải nhờ bạn bè giúp đỡ về tài chính. Đã có những ngày tháng chàng chìm đắm trong cuộc sống hưởng lạc, xa đọa. Biên tập viên quyền lực của tạp chí Vogue Anna Wintour chính là ân nhân lớn của chàng.  Nhờ sự nâng đỡ của bà, "hoàng tử lập dị" trở thành người đứng đầu bộ phận thiết kế của Givenchy năm 1995 và chỉ một năm sau đó, chàng lại được mời tới làm việc tại nhà mốt danh tiếng Christian Dior. Với các thiết kế vừa kỳ quái, vừa lãng mạn của mình, các bộ sưu tập mà John Galliano cống hiến cho làng mốt liên tục khiến giới mộ điệu phải trầm trồ. Sau ba năm sống lưu vong vì sự cố phỉ báng người Do Thái, phân biệt chủng tộc, tháng 10/2014 thế giới thời trang đã dung thứ cho gã trai hư tài năng này, chàng trở lại với tư cách giám đốc sáng tạo của thương hiệu Maison Martin Margiela. Đầu năm, chàng là người đầu tiên tung bộ sưu tập Couture Xuân 2015, gây được tiếng vang lớn. (Xem thêm thiết kế)

3_1421831503.jpg

3. Vivienne Westwood - Bà hoàng của phong cách punk rock
Nói đến phong cách punk rock phá cách, tự do, nổi loạn mang âm hưởng của thập niên 90, không thể không nhắc đến nữ thiết kế Vivienne Westwood. Bà là một trong những nhà thiết kế lão làng, dù đã 74 tuổi nhưng chưa ngơi sáng tạo. Bắt đầu đến London năm 17 tuổi và học trường nghệ thuật Harrow, Vivienne Westwood bắt tay với Malcolm McLaren (nhà thiết kế, ông chủ thời trang kiêm nhạc sĩ, họa sĩ người Anh) để thiết kế trang phục cho thương hiệu Sex Pistol của ông này.
Vivienne tiên phong sáng tạo nên các thiết kế đậm chất punk rock, đặc trưng với kim băng hay vải kẻ tartan. Bằng sự nhiệt huyết và những lời nói sắc bén của mình, bà nổi tiếng trong thế giới thời trang và được mệnh danh là "nữ hoàng của sự nổi loạn". Hơn 4 thập kỷ miệt mài kinh doanh, sáng tạo, dù đã là bậc cao niên nhưng đến nay làng mốt vẫn không khỏi sửng sốt trước độ "chịu chơi" của nhà thiết kế tuổi thất thập cổ lai hy. Hiện bà cùng người chồng kém 11 tuổi Andreas Kronthale chung tay làm bộ sưu tập và chưa hề thiếu vắng trên sàn diễn một mùa thời trang nào. (Xem thêm thiết kế)

4_1421831872.jpg

4. Viktor & Rolf - Đôi "song ca" bền lâu làng thời trang
Sự kết hợp gắn bó của hai nam thiết tạo nên một những điều đặc biệt cho làng mốt. Hai chàng trai Hà Lan Viktor Horsting và Rolf Snoeren cùng sinh năm 1969 gặp nhau ở Học viện Nghệ thuật và Thiết kế Arnhem. Sau khi thắng một cuộc thi quốc tế, họ dắt nhau đến Paris năm 1993 lập nghiệp.
Ban đầu, Viktor & Rolf chỉ được biết đến với dòng sản phẩm nước hoa cho đến khi làm show diễn thời trang năm 1995. Buổi trình diễn được mang tên "The Manifestation of Emptiness" được đánh giá cao về tính nghệ thuật với những bộ sưu tập mạ vạng treo trên những sợi dây cước mỏng manh như vô hình. Tiếp đó, năm 2000 họ gây chú ý khi ra mắt dòng trang phục ready-to-wear. Những năm gần đây, thương hiệu liên tục phát triển cùng những thiết kế độc đáo, siêu thực. (Xem thêm thiết kế)

5_1421832129.jpg

5. Comme des Garçons - Bà chủ Rei Kawakubo và cuộc cách mạng trong thiết kế

Thương hiệu quốc tế Comme des Garçons bắt đầu vào năm 1969 ở Tokyo (Nhật Bản) do nữ thiết kế Rei Kawakubo sáng lập. Hãng ngay lập tức thành công trong nước đồng thời tạo nên một làn sóng thời trang mới trên toàn thế giới về thiết kế cho phụ nữ. Cụm từ "Like Boys" (chỉ trang phục nữ giống nam) dường như lần đầu tiên được sử dụng khi bà tung ra thiết kế của mình trên sàn diễn quốc tế, đặc biệt là bộ sưu tập đột phá năm 1981 trình làng tại Paris.
Bằng những bộ cánh màu đen, trắng, xám với cấu trúc mới, Rei Kawakubo hoàn toàn đi ngược với quan điểm về thời trang lúc bấy giờ khi phương Tây chỉ dùng màu đen trong tang lễ. Thế nhưng chất độc lạ trong sáng tạo của bà khiến làng thời trang không thể ngó lơ và được ca ngợi bằng những cụm từ "tiên phong", "trí thức"... Năm nay Rei 72 tuổi. Bà là một trong những nhà thiết kế lớn, truyền nguồn cảm hứng sáng tạo về bản sắc giới tính trong thời trang. Thương hiệu Comme des Garçons do bà sáng lập vẫn là sự lựa chọn của những tín đồ dũng cảm, cá tính. (Xem thêm thiết kế)

6_1421832383.jpg

6. Paco Rabanne - Người đàn ông đi trước thời đại
Nam thiết kế Tây Ban Nha sinh năm 1934. Mẹ của Paco là trưởng bộ phận thợ may của thương hiệu thời trang Balenciaga. Năm 1936 khi cuộc nội chiến Tây Ban Nha nổ ra, bà cùng con trai di cư đến Paris. Paco học nghề kiến trúc sư, sau đó thiết kế đồ trang sức cho Givenchy, Dior và Balenciaga.
Bộ sưu tập đầu tiên của ông với tên gọi "12 Unwearable Dresses in Contemporary Materials" ra mắt năm 1965. Bằng các loại vật liệu đương đại như nhựa cứng, giấy, kim loại, trang phục và kính bảo hộ của nam thiết kế tạo nên sự kinh ngạc khi áp dụng ý tưởng thời đại du hành vũ trụ. Ông giúp làng mốt khám phá những chân trời mới của thiết kế bằng gu thẩm mỹ đi trước thời đại, là người tiên phong trong trào lưu hướng tới thế giới hiện đại từ cuối những năm 60. Thương hiệu của ông hiện nay do Julien Dossena làm giám đốc sáng tạo, thay các tiền nhiệm là Manish Arora và Lydia Maurer. (Xem thêm thiết kế)

7_1421832557.jpg

7. Gareth Pugh - Chàng trai trẻ và những ý tưởng "không giống ai"
Nhà thiết kế xứ sương mù Gareth Pugh sinh năm 1981, bắt đầu sự nghiệp thời trang của mình từ sớm khi sáng tạo trang phục cho Nhà hát Tuổi trẻ Anh quốc từ trước khi học trường Central Saint Martins năm 2003. Bộ sưu tập đầu tiên của chàng trình làng tại Tuần lễ thời trang London Thu 2006.
Thuộc thế hệ 8x nhưng Gareth Pugh được so sánh với Vivienne Westwood hay Alexander McQueen nhờ lối tư duy khác biệt và gu thẩm mỹ độc đáo. Anh liên tục khám phá các kiểu dáng, áp dụng đủ loại vật liệu như lông chồn, dây dù, tóc... vào thiết kế. Mùa thời trang Xuân hè 2015 vừa qua, anh cũng tạo các trang phục bằng bột giấy và vật liệu truyền thống mang tính chất kỳ dị. Dù các trang phục của Gareth Pugh gặp khó khăn về tính thương mại vì không dễ ứng dụng, song anh đã tạo nên tiếng tăm trong làng thiết kế, dám đi theo những ý tưởng mà hiếm ai dám làm. (Xem thêm thiết kế)

8_1421832737.jpg

8. Courreges - Thiết kế cùng ý tưởng du hành không gian

Nhà thiết kế Andre Courreges nổi danh trong thế kỷ 20. Ông sinh năm 1923 tại Pháp. Sau khi học về ngành công trình dân dụng, ông chuyển đến Paris rồi sang Tây Ban Nha làm việc cho nhà thiết kế nổi tiếng Cristobal Balenciaga. Courreges lập thương hiệu riêng của mình năm 1961. Cũng như  Paco Rabanne, Courreges tung ra bộ sưu tập mang ý tưởng du hành vũ trụ năm 1965. Các thiết kế sử dụng vật liệu nhựa, kim loại với kiểu dáng hình học mang tư tưởng vị lai (hướng đến tương lai).
Thiết kế của ông tạo "cú nổ" lớn trong làng thời trang thế giới bằng một gu khác biệt. Courreges cũng thành công với phong cách hippie. Những đôi bốt "go-go"với nhiều màu sắc, cao gần tới đầu gối hay váy mini của ông đã để lại dấu ấn đặc biệt trong làng thiết kế. (Xem thêm thiết kế)

9_1421832986.jpg

9. Thierry Mugler
Tuổi trẻ của nhà thiết kế sinh năm 1948 Thierry Mugler dành thời gian nhiều hơn cho vẽ và khiêu vũ trong nhà hát Opera nổi tiếng Rhin. Nhưng khi đến Paris lúc 24 tuổi, ông nhận ra tình yêu mãnh liệt với thời trang và bắt đầu sự nghiệp thiết kế. Sau khi làm việc với nhiều nhà mốt ready-to-wear, Thierry mở cửa hàng đầu tiên của mình năm 1978 và chiến được cảm tình của giới mộ điệu bởi các thiết kế tinh tế, thanh thoát.
Danh tiếng của nam thiết kế người Pháp lan rộng vào năm 1980 với các mẫu thiết kế có đường nét sắc sảo, trang phục có miếng đệm vai và áo nịt ngực được làm bằng chất liệu PVC. Dòng nước hoa Angel của ông cũng nhanh chóng phổ biến. Song thành công nhất trong sự nghiệp của ông vẫn là dòng trang phục nữ với phong cách ấn tượng, cường điệu, có tác động mạnh mẽ đến làng thời trang. (Xem thêm thiết kế)

10_1421833158.jpg

10. Yohji Yamamoto - Chất "điên" vượt thời gian
Đồng hương của Rei Kawakubo, từng bắt tay với bà trong nhiều bộ sưu tập, nhà thiết kế Yohji Yamamoto cũng là một trong những cái tên dám tiên phong, tạo nhiều xu hướng mới lạ cho làng thời trang thế giới. Ông sinh tại Nhật Bản năm 1943. Dù có bằng chuyên ngành pháp luật nhưng Yohji lại theo đuổi nghề thiết kế thời trang và tiếp tục học tại Đại học Bunka.
Với động lực quyết tâm thay đổi thời trang nữ giới, Yohji Yamamoto làm nên "quần áo nam cho phụ nữ" và ra mắt bộ sưu tập đầu tiên của mình tại Paris năm 1981, hợp tác với nhà sáng lập thương hiệu Comme des Garçons. Các thiết kế ấy ngay lập tức tạo nên một cuộc cách mạng nhờ cấu trúc lạ, độc đáo. Trong khi bắt tay với các hãng nổi tiếng như Adidas và Hermes, Yohji luôn giữ bản sắc của mình bằng lối thiết kế khác biệt. Hiện nay, ông đã 71 tuổi. Phong cách "điên"trong thiết kế của ông vẫn là một cái bóng quá lớn mà khó nhà thiết kế nào vượt qua được. (Xem thêm thiết kế)

Lana