Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội. |
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội cho biết, phẫu thuật nâng mũi có 3 phương pháp chính là sử dụng silicone, sử dụng sụn tự thân hoặc kết hợp cả 2 loại sụn trên. Silicone thường được dùng để tạo khuôn tháp mũi, sụn sườn được sử dụng để nâng sống mũi còn sụn vành tai để bọc đầu mũi. Tuy sử dụng sụn tự thân ít có nguy cơ biến chứng hơn sụn silicone nhưng tất cả các phương pháp này đều là phẫu thuật có sử dụng chất liệu độn (implant) nên vẫn có nhiều nguy cơ. Dưới đây là 8 biến chứng thường gặp khi phẫu thuật nâng mũi.
1. Nhiễm trùng: Nhiễm trùng là biến chứng thường gặp nhất trong phẫu thuật. Nhiễm trùng có thể ở dạng cấp tính, phát bệnh sau 1 hoặc 2 tuần, cũng có thể ở dạng mãn tính, phát bệnh sau 6 tháng đến 3 năm. Nguyên nhân nhiễm trùng là do vi khuẩn ở ngoài da bám vào chất liệu độn, gây chảy dịch, sưng đỏ, phù nề. Thời gian nhiễm trùng kéo dài khiến dịch thoát ra qua đường mổ hoặc đường rạch da bên trong lỗ mũi. Tùy vào mức độ nhiễm trùng gây ra những tổn thương ở vùng da mũi như sưng đỏ, hoại tử, lộ sụn ở điểm đặt sụn. Để khắc phục tình trạng này, cần tháo sụn ra và làm sạch ổ nhiễm trùng, sau 3-6 tháng có thể phẫu thuật lại.
2. Tụt chất độn mũi: Biến chứng này có nguyên nhân là do khi phẫu thuật, thanh silicone gọt quá dài, tì vào đầu mũi, gây thiếu máu, làm hỏng đầu mũi, kết hợp với việc nhiễm trùng lâu dài có thể khiến sụn chọc thủng đầu mũi.
3. Lệch vẹo gốc mũi hoặc lệch vẹo đầu sụn: Nguyên nhân của biến chứng này là do khi phẫu thuật đặt sụn không đúng vị trí giải phẫu.
4. Cong, vẹo sụn mũi: Do sụn silicone mềm, nên khi gọt quá dài, không phù hợp với đường hầm bên trong mũi có thể khiến sụn cong vẹo sang trái hoặc sang phải. Trường hợp này có thể xử lý bằng cách tháo sụn ra và gọt lại.
Một số biến chứng có thể gặp khi phẫu thuật nâng mũi là nhiễm trùng, cong, vẹo sụn mũi, đỏ bóng tháp mũi... |
5. Sụn tự thân biến dạng: Dù sử dụng sụn tự thân có độ an toàn cao hơn sụn nhân tạo nhưng không phải sẽ không gặp biến chứng. Sau một thời gian sụn tự thân teo ngót dẫn tới mũicó thể gồ lên hoặc lõm xuống tùy theo cách đặt của bác sĩ khi phẫu thuật. Cách xử lý là phẫu thuật tháo sụn, gọt lại hoặc sử dụng chất liệu độn khác thay thế.
6. Biến dạng cánh mũi: Biến chứng này có nguyên nhân là do trong quá trình phẫu thuật làm gãy, rách hay cắt đứt sụn cánh mũi, làm xẹp và biến dạng lỗ mũi.
7. Sẹo lồi của đường mổ: Trong phương pháp mổ mũi cấu trúc, đường rạch da cần để tại trụ mũi, điều này có thể gây ra sẹo lồi hay quá phát ở đường mổ hoặc cánh mũi.
8. Đỏ bóng tháp mũi: Trường hợp đỏ bóng tháp mũi là do đặt sụn silicone quá sát da, gây kích ứng da. Đặc biệt là trong mùa đông, da mũi thường bị ửng đỏ, đầu mũi sưng tấy. Trường hợp này cần phẫu thuật lại để xử lý.
Đối với những người có ý định thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ mũi, GS. TS. Trần Thiết Sơn khuyên rằng nên thăm khám, xét nghiệm đầy đủ trước khi thực hiện. Nên chụp X-quang, chụp ảnh góc nghiêng, góc thẳng và chụp ảnh 3D dựng khuôn mũi giả định trên máy tính nếu có điều kiện để chọn dáng mũi phù hợp nhất. Sau khi phẫu thuật, nên tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ định của bác sĩ, uống kháng sinh và thuốc chống phù nề, chườm lạnh trong 24 giờ đầu tiên, vệ sinh và giữ sạch vết mổ bằng dung dịch nước muối. Khi có bất cứ hiện tượng bất thường như chảy máu, chảy dịch, hở vết thương hoặc bầm tím quá nhiều, đau nhức kéo dài, cần đến gặp ngay bác sĩ để được tư vấn và thăm khám kịp thời.
Theo GS. TS Trần Thiết Sơn, "những bác sĩ thẩm mỹ nổi tiếng ở Hàn Quốc nói rằng họ chưa bao giờ đi 'mổ dạo' tại Việt Nam". |
Nên thực hiện phẫu thuật tại các bệnh viện lớn, các cơ sở uy tín để nhận được dịch vụ tốt và an toàn nhất. Một số cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ có sử dụng bác sĩ người Hàn Quốc song theo GS.TS. Trần Thiết Sơn, "Những bác sĩ thẩm mỹ nổi tiếng ở Hàn Quốc nói rằng họ không đủ thời gian để phẫu thuật cho các bệnh nhân ở Hàn Quốc. Họ chỉ đi mổ biểu diễn ở một số nơi như Hong Kong, Nhật Bản và họ chưa bao giờ đi 'mổ dạo' tại Việt Nam. Chỉ có những người chuyên môn không đủ mới phải đi mổ dạo".
Thái Anh