Mẫu siêu gầy từ lâu đã dấy nên tranh cãi kịch liệt trong làng mốt. Bất chấp nhiều lời chỉ trích, đến nay người mẫu siêu gầy vẫn là một thực tế khi nhiều nhà tạo mốt tiếp tục chuộng các chân dài "mình dây". Tuy nhiên, đối tượng này sẽ không được phép catwalk ở Pháp khi mới đây đất nước nổi tiếng về ngành thời trang đã thông qua điều luật cấm người mẫu thiếu cân. Điều luật này được coi là tín hiệu tích cực trong việc lành mạnh hóa ngành thời trang.
Theo đó, những người mẫu 1m70 hoặc thấp hơn phải có chỉ số khối cơ thể ít nhất là 18 BMI (khoảng 52 kg). Quy định này vừa là một phần của luật chống chán ăn, vừa nghiêm khắc trừng phạt tư tưởng thân hình "người dây" mà một số website khuyến khích. Những người vi phạm có thể bị xử phạt lên đến một năm tù giam và 100.000 euro tiền mặt (2,3 tỷ đồng).
Ở Pháp, sử dụng mẫu siêu gầy có thể bị đi tù hoặc phạt tiền. |
Đây không phải là lần đầu tiên trên thế giới có điều luật cấm người mẫu "cò hương" trình diễn. Trước đó, tại Madrid và Israel đã có luật cấm chân dài thiếu cân. Ở Israel, luật tẩy chay mẫu siêu gầy được ban hành từ năm 2012 nhằm khuyến khích việc sử dụng những người mẫu có đủ sức khỏe, nâng cao nhận thức về các thủ thuật photoshop khiến người mẫu trông còn gầy hơn ngoài đời thường, hạn chế tình trạng biếng ăn, nhịn ăn, đặc biệt ở các bạn gái trẻ. Tuy nhiên việc thực hiện vẫn còn khá xa vời khi chế tài chưa đủ mạnh.
Luật mới ở Pháp cùng các biện pháp xử lý khắt khe được rất nhiều người ủng hộ và hy vọng nhiều đất nước sẽ học hỏi quy định này. Tuy nhiên các chân dài và nhà mốt sẽ ít nhiều ảnh hưởng bởi kinh đô thời trang Paris là nơi có hoạt động thời trang sôi động nhất thế giới.
Những "bộ xương di động" trên sàn catwalk. |
Thế giới thời trang ngày càng mở rộng đón nhận sự đa dạng làng mẫu và các chân dài tong teo bớt được yêu thích. Thậm chí, đây đang là "thời đại của người mẫu plus-size" với sự hiện diện của rất nhiều chân dài mũm mĩm. Trong ngành thời trang, các nhà tạo mốt sử dụng mẫu siêu gầy liên tục bị lên án. Đầu năm 2014, Vera Wang cũng bị phản đối khi dùng "cô dâu ốm đói" trong bộ sưu tập váy cưới.
Không ít nhà tạo mốt từng tạo động thái tích cực khi tẩy chay việc đưa những "khung xương di động" lên sàn diễn. Bậc thầy thiết kế Giorgio Armani khẳng định: “Người mẫu có size lớn hơn 14 mới được tham gia vào các show của tôi. Đồng thời, người mẫu dưới 16 tuổi sẽ không được xuất hiện trong trang phục Giorgio Armani”. Victoria Beckham cũng là người có tư tưởng tiến bộ trong vấn đề này. Bà Becks thẳng thắn tuyên bố sẽ không dùng người mẫu size 0 trên sàn diễn ngay từ Tuần lễ Thời trang New York 2011.
Thân hình ám ảnh của Isabelle Caro trên sàn diễn và giai đoạn trước khi chết. |
Việc chuộng mẫu "ốm đói" từng để lại nhiều hệ lụy đau đớn. Trong lịch sử thời trang, người mẫu siêu gầy để lại không ít thực trạng đáng buồn: Ngày 14/11/2006, chân dài Ana Carolina Reston chết ở tuổi 21 vì ăn kiêng khắt khe; mẫu Pháp Isabelle Caro ra đi ở tuổi 28 vì biếng ăn, cô gái Uruguay Luisel Ramos khụy ngã và qua đời ngay trên sàn catwalk, mẫu thiếu niên Maiara Galvao chết khi mới chỉ 14 tuổi vào năm 2007, người mẫu Israel Hila Elmalich đột quỵ và qua đời tại nhà do suy tim sau nhiều năm chiến đấu với bệnh chán ăn... Những bi kịch đáng thương ấy đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về mối nguy hại của việc dùng người mẫu siêu gầy.
Lana