Vũ Hà Anh
Tôi không mong rằng đàn ông là những con lợn vì tôi chẳng thích làm người chăn lợn. Ngược lại tôi muốn họ là những chú sư tử dũng mãnh, yêu thương, bảo vệ và chăm sóc chị em chúng tôi! Vậy trước khi nhiếc người, phụ nữ, chúng ta hay nhìn lại chính mình một chút nhé!
Vâng thưa các bạn, tôi rất thông cảm với phụ nữ bởi tôi là phụ nữ, mẹ tôi cũng là phụ nữ, bà của tôi cũng là phụ nữ. Chẳng ai trong chúng ta muốn có một người đàn ông thiếu trách nhiệm, thiếu yêu thương cả. Nhưng, ngoài việc - tôi xin nhấn mạnh - giả sử như người đàn ông của bạn là một người đàn ông vô tích sự, vô trách nhiệm, và xấu hoàn toàn trong nhân cách - liệu có bao giờ bạn tự nghĩ, anh ấy có thể là sản phẩm của xã hội và đôi khi của chính bạn?
Tôi viết lên những điều này không phải vì tôi là chuyên gia tâm lý, cũng không phải là tôi biết hết sự đời mà chỉ đơn giản là một sự chia sẻ. Sự chia sẻ này, hãy đón nhận nó, nếu có thể bằng sự bình tĩnh, tích cực. Bởi rốt cuộc, chúng ta đều có cuộc sống, mảnh đời riêng của mình. Cá nhân tôi luôn mong rằng mọi phụ nữ trên thế gian này được hạnh phúc như những gì họ xứng đáng. Một trong những sai lầm lớn nhất của phụ nữ trong quan hệ đối với đàn ông: Đó là đóng vai Mẹ anh ta!
Xã hội phương tây có câu nói: "Nếu bạn đối xử với đàn ông như một đứa trẻ thì họ sẽ mãi mãi như một đứa trẻ. Nếu bạn coi rằng anh ta vô tích sự thì anh ta sẽ mãi vô tích sự". Phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ Á Châu luôn cho rằng, mình phải "chăm sóc từng ly từng tý" cho người đàn ông của mình. Điều này có nghĩa là bạn giặt giũ nấu nướng, bạn chăm con, bạn chăm cho anh ta từng bữa sáng, thậm chí, bạn còn nhớ "hộ" luôn cả lịch hẹn. Nhưng đừng quên rằng: "Cách nhanh nhất để giết chết sự lãng mạn trong tình yêu là khi bạn đóng vai trò mẹ - của người đàn ông bạn yêu thương".
Làm thế nào để biết rằng bạn đang đóng vai mẹ anh ta
1. Tỏ ra quá sốt sắng làm những việc hộ anh ta mà nhẽ ra anh ấy có thể dễ dàng tự làm cho mình: Đi nhặt đồ vương vãi của anh ấy, đi tìm chìa khoá cho anh ấy, chải đầu cho anh ấy, chọn quần áo cho anh ấy. Khi bạn làm những việc nhỏ hộ anh ấy, chính bạn đang làm cho anh ấy trở nên ỷ lại vào bạn.
2. Anh ấy chưa mở miệng bạn đã tự nói hộ: "Anh đang đói hả? Thế anh ăn phở nhé, bánh mỳ nhé?". Lúc này, bạn đang tạo cho anh ấy thói quen không tự nghĩ cho chính mình.
3. Tự cho rằng anh ấy đãng trí, không thể nhớ hết mọi việc của mình. Và bởi vậy, bạn luôn đi theo nhắc nhở anh ấy từng tý một "anh tập đá bóng lúc 4 giờ, anh chữa răng vào sáng thứ 6, anh phải gặp ban anh ở quán bia vào chiều mai...". Vâng, có thể anh ta là người đãng trí thật. Nhưng hãy để anh ấy tự tập nhớ các công việc của mình thay vì bạn phải tự gánh thêm nghĩa vụ là cô thư ký của anh ấy.
4. Mắng mỏ anh ấy như đứa trẻ khi anh ấy làm sai. Khi anh ấy làm hỏng điều gì, bạn thét lên: "Trời ơi, anh không có mắt hả?!", "Đàn ông đàn ang gì mà có mỗi việc đó mà làm không xong?", " Anh uống nhiều bia thế thì bụng sẽ phệ lên cho mà xem"...
5. Làm những việc bạn cho rằng anh ấy không thể làm. Nhiều phụ nữ chúng ta tự cho rằng người đàn ông của mình không thể làm điều gì đó, và có khi, sẽ nhanh hơn khi ta tự làm. Chính vì vậy họ xắn tay lên làm luôn. Nhưng khổ nỗi, sự làm luôn này không hề tự nguyện, phụ nữ cảm thấy mình như một người hầu không hơn không kém, và họ quay ra nhiếc móc người đàn ông của mình là "vô tích sự"
6. "Chỉnh lưng" anh ta hoặc "đạo diễn" anh ta: "Anh nói như thế là sai rồi"...
Phải, chính những hành động lời nói của bạn trong vai trò "Mẹ" góp phần làm anh ấy ngày càng trở nên thụ động, mất tự tin, ỷ lại vào bạn. Sự lãng mạn chăm sóc 2 chiều trong mối quan hệ cũng dần dần biến mất. Rồi bạn than khổ, bạn tự hỏi: "Người đàn ông lãng mạn của tôi thủa mới quen giờ đâu rồi! Và, sao tôi phải chăm cả con nhỏ lẫn chồng lớn thế kia?". Vậy vì sao chúng ta lại làm điều này và làm thế nào để tập cho bản thân bỏ thói quen này?
Tôi cho rằng, ở Việt Nam, phụ nữ làm vậy, ban đầu là bởi được gia đình, xã hội giáo dục, chăm sóc đàn ông là bổn phận của phụ nữ. Sau rồi có nhiều phụ nữ trong sâu thẳm nghĩ rằng, nếu họ làm cho người đàn ông lệ thuộc vào họ bởi các sự chăm sóc từng chân tơ kẽ tóc, thì người đàn ông sẽ vì vậy mà yêu thương họ và không bao giờ rời bỏ họ? Nhưng rồi điều gì xảy ra nếu đàn ông tiếp tục lệ thuộc vào sự chăm sóc của vợ mình? Hoặc nhiều trong số đó "phản ứng" lại bởi lẽ dễ hiểu, người đàn ông vốn dĩ đã có một người mẹ, họ không cần có người mẹ thứ hai? Không lẽ chúng ta cứ ngồi than vãn với nhau? Hay khích bác, trì triết họ là những con lợn? Hay xúi nhau bỏ hết cả đàn ông đi cho nhẹ nợ? Tôi nghĩ rằng phụ nữ chúng ta cần phải rõ ràng trong tư duy của chính mình!
Bạn phải làm gì?
1. Hãy dừng lại đừng làm những việc mà người đàn ông của bạn có thể tự làm
Hãy dũng cảm để anh ấy muộn giờ đi làm một vài lần nếu anh ấy không tìm thấy chìa khoá xe máy. Khi anh ấy hỏi: "Chìa khoá anh ở đâu?", hãy dịu dàng trả lời "Em không biết!" và để anh ấy tự đi tìm.
Muộn 1 lần, 2 lần, đến lần thứ 3 anh ấy sẽ chú ý việc để chìa khoá chỗ nào anh ấy có thể tìm ra - thay vì sốt sắng đi tìm cho anh ấy và để anh ấy luôn ỷ lại vào bạn từ giờ đến cuối đời về việc quản lý các vật dụng cá nhân của anh ấy. Tuy nhiên, cũng đừng dại mà sẵng giọng với anh ấy: "Anh tự đi mà tìm lấy! hay tôi không phải người quản gia của anh". Hãy vẫn là người vợ yêu thương tâm lý, nhưng hãy để cho anh ấy trở thành người đàn ông tự lập.
2. Hãy cư xử với anh ấy như môt người đàn ông đáng tin cậy và có thể
Đừng biến mình trở thành trí não của anh ấy, hay đồng hồ báo thức của anh ấy. Điều này đồng nghĩa với việc hãy dũng cảm để anh ấy bỏ lỡ cuộc hẹn đôi ba lần, và hãy tỏ ra thông cảm: "Em tin rằng anh có thể hẹn lại lần khác anh yêu ạ!". Và sau một số lần trễ hẹn, anh ấy sẽ tự tập cách quản lý thời gian biểu của mình.
3. Đừng lên giọng dạy đời anh ta như anh ấy là đứa trẻ lên ba
Điều ngày đồng nghĩa với việc tuyệt đối đừng mắng mỏ anh ấy. Hãy nói chuyện với anh ấy như hai người trưởng thành, bình tĩnh, có lý lẽ và tôn trọng.
4. Hãy cùng quyết định phần việc của cả hai trong cuộc sống gia đình
Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa là tách bạch hoàn toàn như kiểu em nấu cơm anh rửa bát, em cho con ăn anh dạy con ăn. Chúng ta vẫn có thể hỗ trợ lẫn nhau đôi lúc, nhưng hãy có những phân định cho trách nhiệm gia đình, và nếu anh ấy có chẳng may làm chưa tốt, ví dụ như đánh vỡ cái đĩa vài ba lần, cũng đừng vì vậy mà giành luôn để làm. Hãy để anh ấy tự mắc lỗi và đối diện với "hậu quả" của nó, chỉ có vậy anh ấy mới rút kinh nghiệm được cho những lần sau.
Chúng ta ai cũng muốn yêu thương và được yêu thương, ai cũng mong muốn trở thành người vợ lý tưởng của một người chồng lý tưởng. Thực tế, do nhiều yếu tố, điều hoàn hảo như cổ tích đó không phải lúc nào cũng hiển hiện, mà ta phải TẬP! Nhưng cũng đừng ngồi đó mà bi quan, mà cho rằng mọi thứ đều tồi tệ, đàn ông nào cũng đáng ghét. Họ là những người yêu, người chồng, người cha của các con bạn cơ mà?
Hãy chọn họ thật kỹ, và khi đã chọn họ, hãy yêu thương họ và cho họ cơ hội yêu thương bạn!