Song Nhi

Tôi có một nguyên tắc trong cuộc sống là không tham gia bàn luận chính trị vì với tôi đó là chuyện của đàn ông. Đàn bà nấu cơm ngon đảm đang việc nhà là đủ rồi. Còn muốn chứng minh hơn thua với đời thì cứ lao ra mà kiếm tiền. Để biết rằng đàn bà không phải loài dây leo nương dựa dễ bị đè bẹp. Đàn bà cũng có thể tạo dựng sự nghiệp mà đôi khi còn làm tốt làm giỏi hơn nữa kìa.

Nhưng tôi có một sở thích là tìm hiểu về những chính khách nổi tiếng. Tôi chẳng mấy khi đọc những cuốn sách tình cảm hoặc về mấy ông bà vươn lên từ nghèo khó thành giàu có. Đơn giản tôi nghĩ một người giàu chỉ có thể tác dụng đến những người phụ thuộc trong phạm vi đồng tiền của họ. Nhưng một chính khách giỏi thì tác động của họ rộng lớn hơn nhiều, lan ra tới cả những người ở một quốc gia khác. Giúp ích được rất nhiều người bởi có an cư thì mới lạc nghiệp được. Họ hoàn toàn có thể khiến những người nhà giàu ấy rót tiền ra trước những kế hoạch hay lập luận của họ. Nói trong phạm vi nhỏ nhoi hễ mình ở một địa phương có ông quan tốt trông coi thì đã hãnh diện với làng bên xóm bên. Nói chi dân đen như chúng ta mà gặp ông vua tài giỏi thì có phải dân chúng đở khổ không? Được thơm lây khi bảo tôi dân nước A nước B.

Lý Quang Diệu là một vị chính khách mà tôi rất ngưỡng mộ. Thứ nhất vì ông cũng là dân da vàng tóc đen như tôi nhưng mức độ tài giỏi chả kém chi mấy kẻ hiện đại ở nước có lịch sử phát triển. Tôi không bàn về nhân thân hay những vấn đề liên quan cuộc sống cá nhân của ông bởi báo chí sách vở đã nói nhiều quá về những giai thoại ấy. Tôi chỉ nói những cái mà tôi nhận biết và thấy trong khả năng hạn hẹp, kém cỏi của mình mà thôi.

Điều đầu tiên tôi nể ông vì ông sinh ra trong gia đình dân từng rớt đại học nói chung là người rất đỗi bình thường. Không phải gia đình có truyền thống hay quyền lực. Vậy mà khi đọc về tầm chiến lược của Singapore từ hồi mấy chục năm về trước thì tôi phục ông sát đất. Phục cái chỗ lấy những cái rất thường làm điểm nổi bật. Ai cũng thừa biết Singapore là một hòn đảo chết tới tận bây giờ vẫn phải lấy nước sinh hoạt từ Malaysia. Ông thừa biết với một diện tích nhỏ như vậy khi con người sinh sôi thêm nhà máy mọc lên thì cả hòn đảo ấy chả khác gì cái chảo lửa. Việc đầu tiên của ông là cho trồng cây xanh, trồng không ngừng nghỉ. Để ngày hôm nay dù "quốc đảo sư tử" có tăng bao nhiêu dân số đi nữa thì nó vẫn là một thành phố vườn đúng nghĩa.

Điều thứ hai ai cũng biết Singapore chẳng có nông thôn hay bất cứ cái gì gọi là cảnh đẹp. Bãi biển nhỏ và chẳng có gì hay lạ nói tóm gọn chẳng có cái chi mà thu hút du lịch hay dấu ấn riêng. Chính ông nghĩ ra phương cách biến Singapore nổi tiếng vì ''sạch'' một cái điều nghe thì quá đỗi bình thường nhưng gần như không phải ai cũng làm được. Tính tới tận thời điểm này dù đất nước họ có xây dựng khu vui chơi nổi tiếng hoặc làm gì đi nữa thì ấn tượng người ta nhớ tới Singapore vẫn là xanh và sạch.

quangdieu1-1534-1427101175.jpg

Ảnh minh họa.

Điều thứ ba là hiến pháp. Để biến một Singapore với ba chủng người (Malay, Ấn độ và Hoa kiều) trái ngược nhau về tập tục tôn giáo ngôn ngữ có thể thống nhất theo một chính thống. Có thể nói phát luật nơi đây không chỉ nghiêm minh mà còn khắt khe. Nhưng chính vì cái khắt khe đó mới khiến người ta sợ và tuân theo. Đừng nói chuyện vứt một tàn thuốc bị phạt 1.200 EUR với dân bản xứ mà bất kể thần thánh phương nào cũng không có ngoại lệ khoan nhượng. Vẽ bậy, đái bậy cứ lột quần nọc ra đánh ngay nơi ấy. Giáo hoàng can thiệp mặc kệ giáo hoàng. Tổng thống xin đem về nước để thụ án cũng thây kệ tổng thống. Thậm chí nhiều người lo ngại sẽ nổ ra chiến tranh hay mích lòng hàng xóm thì luật vẫn là luật chẳng có kẻ nào là ngoại lệ.

Lòng người vốn tham lam nên tệ nạn tham nhũng ở đâu cũng có. Nhưng tìm hiểu sâu luật phát nơi xứ này mới biết tại sao người ta sợ bị tội tham nhũng tới như vậy. Tôi chỉ tóm lược như vậy cho gọn. Khi một người làm việc trong bộ máy nhà nước mỗi lần lãnh lương chính phủ sẽ giữ lại bao nhiêu phần trăm tùy vào vị trí. Ghế càng cao số tiền bị giữ lại càng nhiều. Ai tặng quà cáp gì trên giá quy định phải có giấy tờ báo cáo. Chưa nói hệ thống ngân hàng bên ấy rất nhịp nhàng và chặt chẽ luôn sẳn lòng hợp tác với chính phủ. Chỉ cần ăn hối lộ dù vài trăm đồng bạc cũng bị xem là phạm tội tham nhũng. Bị tội tham nhũng số tiền bị giữ từ lương sẽ bị sung vào công quỹ hết. Thay vì tới hưu trí sẽ được trả lại toàn bộ. Bên cạnh đó chỉ cần làm việc trong sạch chính phủ có chế độ đãi ngộ rất xứng đáng hỗ trợ mua nhà và những phúc lợi xã hội khác. Cứ theo đó mà tính thử hỏi có ai ngu dại gì tham nhũng cho bị mất trắng. Con người mà họ chỉ làm liều khi họ túng thiếu và không có sự chế tài thích hợp. Đằng này có đủ ăn đủ mặc về già có hưởng phúc lợi thì ngu gì làm bậy cho khổ thân.

Ông còn tích cực chú trọng việc khiến chất xám chảy về Singapore. Những người có thành tích ưu tú luôn được mời chào bằng những ưu đãi như thu xếp cho cả gia đình họ định cư trong thời gian rất ngắn. Du học sinh giỏi được giữ lại làm việc với mức lương khả quan kèm theo những điều kiện làm việc trong môi trường mở.

Cuối cùng là chuyện gia đình ông. Trong khi rất nhiều người thích nhận công lao về mình thì ông lại dành rất nhiều lời ca ngợi và bảo rằng công lao đó một phần lớn thuộc về vợ ông. Vợ ông thật sự có lặng thầm giúp đỡ phía sau hậu trường không thì không ai biết. Cũng như thiết nghĩ người đàn bà nào mà không dốc hết sức mình giúp chồng. Nhưng tôi ngưỡng mộ cái cách nói về vợ của ông. Rất đỗi đầm ấm và chân thành.

Không ai đọc được bất cứ cái gì từ con cháu thủ tướng nhà ông. Ngoài hình ảnh con trai ông Lý Hiển Long thủ tướng đương nhiệm đứng xếp hàng ba chục phút chờ mua gà rán ở một tiệm ăn ngoài trời. Bấy nhiêu đó là câu trả lời hay nhất về những sự dạy dỗ mà họ hấp thụ. Bấy nhiêu đó cũng đủ để người ta biết nền an ninh của Singapore ra sao. Họ là những nhân vật quan trọng hàng đầu dĩ nhiên phải có người theo bảo vệ họ. Nhưng những nhân viên bảo vệ ấy cũng mặc thường phục đứng lẫn đâu đó. Không có cảnh tiền hô hậu ủng làm phiền dân chúng. Tiêu chí bình đẳng luôn được đặt lên hàng đầu. Thủ tướng vẫn xếp hàng và chờ ba chục phút không hề viện cớ mình bận việc quốc gia đại sự mà cần có sự ưu tiên. Tôi tin chỉ có người cha gương mẫu mới có thể dạy được con mình gương mẫu.

Tôi không cùng chủng tộc với ông, không mang quốc tịch nước ông. Nói tóm lại tôi không hưởng lợi bất cứ cái gì từ những chính sách của ông để phải ca ngợi ông cả. Nhưng mỗi lần đặt chân lên đảo quốc này tôi lại nhớ đến ông. Một người mà tôi đã dùng rất nhiều thời gian mình có để đọc, để tìm hiểu theo những cái cách tôi có thể. Tôi ngưỡng mộ và kính trọng một vị chính khách tài giỏi thông minh như ông.

Một nén hương kính tiễn ông, mong ông yên lòng an nghỉ. Tôi tin rằng những người dân Singapore sẽ không bao giờ quên những gì ông đã làm cho họ.